Làm sao để níu giữ cho hôn nhân hạnh phúc? Bài viết dưới đây được chia sẻ bởi các chuyên gia đến từ công ty thám tử Bảo Minh
Hôn nhân hạnh phúc là do mình hay do số phận? một câu hỏi nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều nhau. Một luồng ý kiến thì cho rằng hạnh phúc trong hôn nhân là do những người trong cuộc tạo ra, một luồng thì cho rằng hôn nhân hạnh phúc là do số phận người đó may mắn. Và mỗi luồng đưa ra cho mình những lý do để biện hộ cho ý kiến mà mình đưa ra. Người cho rằng hôn nhân hạnh phúc là do số phận vì xung quanh họ có rất nhiều người chẳng tài giỏi, khôn khéo gì nhưng vẫn rất hạnh phúc, trong khi bản thân họ cố gắng rất nhiều nhưng kết quả không được như mong đợi và họ kết luận hạnh phúc trong hôn nhân là nhờ sự may mắn của mỗi số phận. Trái lại những người cho rằng hôn nhân hạnh phúc là do mình tự tạo ra thì có những lý lẽ hoàn toàn khác. Với họ không có số phận nào tạo nên hạnh phúc cho con người, không có hạnh phúc nào mang tên tự có hay may mắn. Muốn có trái ngọt thì phải bỏ công chăm sóc, muốn có thành công thì phải nỗ lực và cố gắng, cũng giống như muốn có cuộc hôn nhân hạnh phúc, bản thân mình phải vun đắp và xây dựng nó. Không có bất cứ thứ gì trên đời này là tự nhiên mà có, tự nhiên mà bay đến với mình. Tất cả đều xuất phát từ chính những hành động, sự nỗ lực của bản thân, may mắn chỉ là một phần tạo nên hạnh phúc. Nếu chỉ dựa vào may mắn thì có lẽ không bao giờ bạn có được một hạnh phúc trọn vẹn. Thế nên khi cuộc hôn nhân của mình không được suôn sẻ và hạnh phúc như những người khác, đừng đổ lỗi cho số phận, đừng tự thỏa hiệp rằng bản thân mình kém may mắn. Hãy tự vấn lại bản thân mình đã làm gì, có gì và có thực sự xứng đáng có được hạnh phúc? Và điều quan trọng khi hôn nhân gặp rắc rối và không được thuận lợi thì hãy tìm cách làm gì để níu giữ cuộc hôn nhân ấy, thay vì buông xuôi phó mặc cho số phận. Đừng vô trách nhiệm với cuộc đời mình như thế.

1. Hãy một lần đặt mình vào vị trí của đối phương
Hãy một lần đặt mình vào vị trí của người bạn đời để thấu hiểu được những tâm tư, tình cảm và cả những nỗi ưa phiền, âu lo họ đang chịu đựng. Hãy thử đặt mình vào vị trí của một người chồng luôn bị vợ cằn nhằn, cáu gắt, mặt nặng mày nhẹ mỗi khi chồng mắc lỗi gì hay làm trái ý vợ. Hãy thử đặt mình vào vị trí của chồng khi cả ngày căng thẳng với đống công việc ở cơ quan, về nhà lại đau đầu chịu trận càm ràm không ngừng của cô vợ thích la mắng chồng. Hãy một lần đặt mình vào vị trí của chồng khi anh ấy gặp thất bại trong làm ăn hay công việc có chút khó khăn, vợ không động viên an ủi mà thay vào đó là những lời than vãn, trách mắc, kêu gào không thương tiếc…nếu là bạn, bạn cảm thấy thế nào? bạn còn muốn sống với một người vợ như thế không? Bạn có thể chịu đựng và yêu thương nổi người phụ nữ ấy? bạn có đủ sức chịu đựng người ấy cả đời không? Còn với các ông chồng thì sao? Hãy thử một lần nghĩ đến sự vất vả, những mất mát mà người phụ nữ của mình phải chịu đựng khi sống cùng mình, hãy thử đặt mình vào vị trí của cô ấy khi có một ông chồng vô tâm, lúc nào cũng chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà quên đi cảm xúc của vợ, quên đi rằng vợ mình cũng biết buồn, biết đau và biết cô đơn. Hãy một lần nghĩ về những hy sinh của vợ dành cho mình và gia đình, liệu là bạn, bạn có làm được như cô ấy. Hãy một lần thử thay vợ làm tất cả những công việc mà vợ bạn phải làm trong một ngày để biết cô ấy đã vất vả, khổ cực ra sao, để được tự mình nếm trải những thứ việc không tên trong gia đình, thứ mà bấy lâu nay trong mắt cánh đàn ông, đó chỉ là những việc vụn vặt, trẻ con cũng làm được, hãy thử làm xem các anh làm được đến đâu? Hãy thử làm vợ một tuần và đón nhận sự đối xử lỗ mãng, cọc cằn của chồng như vợ mình luôn phải chịu đựng xem các anh chịu nổi không?…Xin hãy một lần đặt mình vào vị trí của nhau. Chồng hay vợ thì cũng là con người cả, đàn ông hay đàn bà thì cũng có cảm xúc, tình cảm như nhau. Thế nên, đừng tự đánh giá hay nhận xét về đối phương của mình bằng cái nhìn phiến diện của bản thân, đừng tự cho rằng mình có quyền được đối xử tệ bạc với vợ/ chồng. Đừng tự cho mình cái quyền được hạch sách, quát mách người bạn đời một cách tùy tiện. Trước khi hành xử với nửa kia, hãy đặt mình vào vị trí của người ấy để có những hành xử hợp lý và hài lòng cả hai. Khi bạn đặt mình vào vị trí của nhau, bạn sẽ hiểu được đối phương, hiểu được tại sao họ lại như thế, từ đó bạn sẽ có cách hành xử đúng đắn và vui lòng cả hai. Có như vậy hai người mới có thể cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc lâu dài.
2. Hãy nói chuyện với nhau một cách nhẹ nhàng
Có vô số câu tục ngữ nói lên tầm quan trọng của lời nói, nhưng hình như chúng ta đã vô tình lãng quên sức mạnh của những lời nói, để rồi toàn dành cho nhau những điều khó nghe, những điều làm đau lòng nhau. “Ăn có nhai, nói có nghĩ”, “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho lòi tiền ra”, “chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”…tất cả đều nói lên sức mạnh vô đối của cách ăn nói. Đặc biệt là trong mối quan hệ vợ chồng, bạn càng khéo bao nhiêu thì người bạn đời càng lắng nghe bạn bấy nhiêu. Đừng dùng những lời nói hống hách, to tiếng để dọa nạt hay thể hiện cái tôi của mình với đối phương. Có thể bạn làm họ sợ, họ phải làm theo ý bạn nhưng tất cả chỉ có tác dụng nhất thời, nó không có tác dụng lâu dài. Và quan trọng là đối phương chỉ sợ bạn chứ không hề nể phục bạn, rồi sẽ có lúc họ không chịu đựng được và vùng lên, “tức nước thì vỡ bờ” khi đó họ sẽ gạt bỏ mọi sợ sệt để lấy lại sự công bằng cho bản thân mình, đừng tự đẩy tình thế của hai vợ chồng rơi vào tình trạng “giọt nước tràn ly” bạn có hối hận cũng không kịp nữa rồi. Cùng một vấn đề như nhau nhưng mỗi người có cách xử lý khác nhau và kết quả đương nhiên cũng hoàn toàn khác nhau. Một người vợ khéo léo trong lúc chồng tức giận sẽ không cố ra sức tranh cãi phân thắng thua với chồng, điều đó chỉ khiến hai vợ chồng căng thẳng hơn dẫn đến cuộc tranh cãi nảy lửa hơn và rất có thể nảy sinh những xô xát không thể hàn gắn nổi. Thay vào đó cô ấy sẽ dịu dàng, hạ thấp giọng nói và trao đổi với chồng một cách thiện chí, nói để chồng hiểu mình chỉ đang muốn thảo luận để tìm ra quan điểm chung cho cả hai vợ chồng. Sẽ chẳng người chồng nào có thể nổi nóng, mắng chửi vợ khi cô ấy luôn nhẹ nhàng và bình tĩnh đón nhận sự bức xúc của chồng. Khi bạn đạt tới trình độ siêu phàm trong cách ăn nói khôn khéo và nhẹ nhàng với người bạn đời, cũng là lúc bạn sở hữu cho mình sức mạnh vạn năng của lời nói. Khi đó mọi lời nói của bạn đều có giá trị và được đối phương lắng nghe một cách vui vẻ.
3. Tìm cách hàn gắn
Khi bạn và đối phương đã cùng nhau trao đổi và tìm ra được nguyên nhân dẫn đến xung đột xảy ra giữa hai người, thì lúc đó bạn nên cùng đối phương tìm cách khắc phục và hàn gắn tình cảm vợ chồng sau những xung đột, xích mích vừa xảy ra. Khi bạn nỗ lực tìm cách hàn gắn tình cảm cũng khiến đối phương cảm thấy được an ủi phần nào, họ sẽ cảm nhận được sự chân thành từ phía bạn. Sự chân thành trong tình cảm vợ chồng là điều rất cần thiết. Nó giúp cả hai gần nhau hơn và dành tình cảm cũng như trân trọng nhau hơn. Thay vì chỉ trích nhau, nhắc lại chuyện cũ để dằn vặt nhau thì hãy cùng nhau nói những lời yêu thương, hãy trao cho nhau những gì tốt đẹp nhất, hãy tử tế với nhau hơn và hãy yêu nhau khi còn có thể. Đừng vì sự cố chấp, cái tôi ngang bướng của bản thân mà đánh mất đi hạnh phúc đang có của mình. Trước khi từ bỏ hãy nghĩ đến nguyên nhân khiến bạn bắt đầu, để từ đó có tình thần hàn gắn tình cảm vợ chồng thay vì dễ dàng buông xuôi, vứt bỏ hạnh phúc của mình.
4. Thỏa hiệp và quên đi quá khứ
Đừng lúc nào cũng làm theo ý thích và mong muốn của bản thân mình, đừng bắt ép đối phương phải làm những gì mình cho là đúng, đừng biến người bạn đời thành công cụ thực hiện tham vọng của bạn. Hãy thỏa hiệp với nhau, đó không phải vì bạn chấp nhận thua cuộc hay phó mặc mọi thứ. Đó là vì bạn muốn bảo vệ và vun đắp cho hạnh phúc của mình. Hãy biết cách thỏa hiệp với những ham muốn, khát khao của bản thân, bởi cuộc sống không có ai toàn vẹn. Được cái lọ, ắt sẽ mất cái chai, tài giỏi kiếm tiền thì ắt sẽ không có nhiều thời gian cho gia đình, xinh đẹp mĩ miều ắt sẽ vụng về trong việc chăm sóc gia đình…cái gì cũng có cái giá của nó. Không ai là tốt đẹp toàn diện, cũng không ai xấu xa đủ đương. Thế nên, hãy tự thỏa hiệp với bản thân để có được niềm vui và sự thoải mái tự trong thâm tâm mình. Có như thế đối diện với đối phương bạn mới thực sự hài lòng và nhìn nhận khách quan về họ. Vấn đề tiếp là hãy quên đi quá khứ của nhau. Đừng để quá khứ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của hiện tại, có thể quá khứ người ấy không tốt và có những lỗi lầm quá đáng với bạn. Nhưng mọi thứ đã qua, hiện tại họ đang mang lại cho bạn hạnh phúc, hiện tại con người họ đã không còn như trước, họ đã thay đổi và đang thật lòng cùng bạn xây dựng hạnh phúc gia đình. Thế thì tạo sao phải nhắc lại quá khứ, tại sao phải khơi lại nỗi đau mà cả hai đều không muốn nhớ lại. Tại sao phải sống với những thứ đã qua? Đó chỉ là những kỷ niệm,vui thì thi thoảng cùng nhau nhớ lại để tăng thêm tình cảm. Không vui thì nên cất giấu thật sâu và tốt nhất là nên quên đi, bởi nó chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho hiện tại, nó chỉ làm cho hiện tại bị xáo trộn, bị ảnh hưởng xấu. Hạnh phúc hay không vốn dĩ cũng là do mình mà ra. Cái gì không nên nhớ thì đừng nhớ, cái gì nên quên thì hãy quên nó đi.
Thế đấy, chốt lại là đừng đổ lỗi cho số phận khi mình không được hạnh phúc nữa. Cũng đừng ngồi đó ghen tỵ với hạnh phúc của người khác, muốn có hạnh phúc phải tự mình kiếm tìm. Tự mình tạo nên và tự mình giữ gìn thì mới có được.